DANH MỤC SẢN PHẨM
VĂN HÓA RƯỢU VANG
Ước Mơ Một Nền Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Không phải ngẫu nhiên khi Israel tự hào là một trong những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới. Khả năng nghiên cứu, sáng tạo và đặc biệt là tính hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là lời giải đáp dễ hiểu.
Ngày cuối cùng, trên đường từ Biển Chết quay trở lại Tel Aviv để ra sân bay, người viết tình cờ được chứng kiến cơn mưa đầu mùa. Sống ở một nước nhiệt đới, thật thú vị khi được hưởng cảm giác “mưa bóng mây” ở giữa vùng đất này. Cơn mưa có thể gọi là lớn - như lời nhận xét của người lái xe địa phương - kéo dài chừng 5 phút và cũng chỉ đủ làm mặt đường cao tốc loáng nước và chiếc cần gạt nước ôtô làm việc nhàn nhã, chứ đừng nói đến tạo dòng chảy.
Tuy nhiên, sau gần một tuần thăm và làm việc tại các dự án nông nghiệp của Israel, đã không còn bất ngờ với lời khẳng định đầy tự hào của người Israel: “Khí hậu khắc nghiệt, nhưng chúng tôi vẫn có nền nông nghiệp tiên tiến nhất thế giới”.
Biển Chết. Địa danh rất quen thuộc với phần còn lại của thế giới nhờ sự kỳ lạ của vùng đất này cũng như sự khắc nghiệt của nó. Tuy nhiên, khí hậu quanh khu vực du lịch này còn khá hơn nhiều phần còn lại của hoang mạc Negev nhờ có chút hơi ẩm từ biển. Nguồn gốc của từ Negev bắt nguồn trong tiếng Hebrew có nghĩa là “khô”. Hoang mạc này chiếm trên một nửa diện tích Israel mà khu vực trung tâm chỉ có lượng mưa hàng năm trên dưới 200 mm. Cũng chính từ hoang mạc này, kỳ tích thần kỳ về nông nghiệp của Israel được tạo ra.
Thung lũng Arava. Địa danh khá lạ tai đối với khách du lịch, nhưng lại là cái tên rất tự hào của mọi người dân Israel vì tại đây, phép màu đã làm nở hoa giữa sa mạc - những phép màu thực sự của khoa học công nghệ. Là phần khô hạn nhất của hoang mạc Negev, thung lũng Arava trải dài từ phía Nam của Biển Chết đến Vịnh Eliat. Lượng mưa bình quân của khu vực này chỉ từ 20-50 mm mỗi năm. Nhiệt độ mùa hè bình quân lên tới 40 độ C và ban đêm là 25 độ C. Nhiệt độ mùa đông ban ngày là 21 độ và ban đêm chỉ từ 3-8 độ C. Độ ẩm cực thấp và sự chênh lệch nhiệt độ khiến đá cũng phải vỡ vụn mà khắp hoang mạc phủ một lớp đá vụn và cát đặc thù sa mạc. Arava là một trong những vùng đất khô cằn nhất thế giới. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất này, là miền Trung Việt Nam với những dải đất bạc màu và đồi cát, hóa ra vẫn còn là miền đất trù phú!
Không từ nào có thể diễn tả đúng hơn về một “vườn địa đàng” đã được tạo ra giữa thung lũng Arava, đúng như Tổng thống Israel Shimon Peres đã thốt lên khi đến thăm nơi này năm 2009: “Hãy đến và thấy chính con người cũng có thể tạo nên vườn địa đàng (Gadern of Eden)”!
Ông Ezra Ravins, người đứng đầu cộng đồng hơn 3.000 người tại khu vực này cho biết, từ một nhóm thanh niên Israel “bồng bột”, mang theo bánh mì và nước quyết định định cư tại thung lũng Arava năm 1959, cả một cộng đồng đã được xây dựng với nhiều thế hệ, tạo thành một trong những trung tâm nông nghiệp lớn nhất cả nước. “Khi những người đầu tiên đến đây, quyết định đó được xem là “điên rồ” nhất và chính những nhà khoa học cũng khẳng định con người không thể sống được ở vùng đất này”.
Theo số liệu đến tháng 6/2011, dân số của khu vực vào 3.050 người với 700 gia đình, trong đó 500 gia đình làm nghề nông. Tổng diện tích đất đang sử dụng cho canh tác là 3.576 ha. Phần lớn diện tích này là trồng rau (82%), 15% trồng cây ăn trái và 3% trồng hoa. Ớt ngọt là loại rau chính của Arava, chiếm 50% tổng diện tích khu vực và chiếm 60% diện tích trồng rau nói chung.
Israel có diện tích rất nhỏ, trên 20.000 km2, tức là chỉ lớn hơn tỉnh Nghệ An của Việt Nam chút ít. Tuy nhiên Israel lại được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Chỉ với 2,5% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu chừng 3 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Ít ai biết rằng, những sản phẩm rau quả từ Arava - một trong những nơi khô cằn nhất thế giới - lại chiếm tới trên 60% tổng sản lượng xuất khẩu rau của Israel và 10% tổng sản lượng hoa xuất khẩu.
Vàng trắng
Thiên đường nông nghiệp tại Arava gắn liền với một công trình xứng đáng ghi nhận như một kỳ công mà con người đã tạo ra giữa xa mạc: bể chứa nước khổng lồ mang tên Shizaf. Với khả năng dự trữ 150.000 m3 nước sạch, bể chứa này có nhiệm vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt và tưới tiêu. Bể được thiết kế để tích trữ nước từ giếng khoan vào thời điểm nhu cầu giảm.
Bể có đáy chìm 3,5 m dưới mặt sa mạc và chia thành nhiều lớp khác nhau, tạo nên bề mặt nổi 10m. Một khối lượng công việc khổng lồ được thực hiện để đào bỏ 320.000 m3 đá và đất sa mạc. Độ sâu của giếng khoan lên tới 1,5 km mới tới túi nước ngầm. Kỹ thuật thiết kế đặc biệt của bể chống lại chế độ bốc hơi tự nhiên cũng như thu gom nước một cách hoàn hảo.
Điều kiện tự nhiên của Israel đặc biệt khô hạn với lượng mưa rất thấp và thay đổi theo từng mùa: Phía Bắc quốc gia này lượng mưa khoảng 800 mm/năm và ở phía Nam chỉ khoảng 50 mm/năm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau và lượng bốc hơi tự nhiên lên tới 1.900-2.600 mm/năm. Không có gì ngạc nhiên khi nước ngọt ở Israel được coi như vàng trắng và được quản lý một cách chặt chẽ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Chính phủ xây dựng hẳn một bộ luật để đo lường mức tiêu thụ nước, kiểm soát việc khai thác nước ngầm, ngăn chặn ô nhiễm nước. Công nghệ xử lý nước của Israel thuộc hàng hiện đại nhất thế giới với tỉ lệ tái chế tới 75%.
Dọc ngang Israel, ở những thành phố lớn hay những vùng nông thôn, hoang mạc, hệ thống tưới nước hoàn hảo đến mức gần như không bỏ phí một giọt nước nào. Đại diện công ty công nghệ tưới NaanDanJain cho biết 75% hệ thống nước nông nghiệp của Israel áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, 25% còn lại tưới nước bằng ống dẫn và vòi tưới các loại phun mưa nhỏ, không hề có chế độ tưới ngập nước. Israel cũng là quốc gia phát minh ra hệ thống tưới nước nhỏ giọt điều khiển bằng máy tính, kết hợp với các thiết bị kiểm soát độ ẩm trong đất, có thể tính toán chính xác nhu cầu nước và tiết kiệm tối đa.
Tại công ty Netafim, người viết được chứng kiến những thành quả đáng ngạc nhiên về hiệu quả của việc sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trên khắp các dự án ở những vùng khô hạn trên thế giới. Hệ thống ống dẫn nước như những mao mạch dẫn tới từng gốc cây, được vận hành chính xác bằng công nghệ cao cũng như sử dụng tối ưu năng lượng mặt trời. “Đạt năng suất cao hơn với chi phí thấp hơn” (grow more with less) là khẩu hiện của Netafim và có lẽ cũng là hướng đi của phần còn lại của thế giới, khi nguồn tài nguyên nước đang ngày càng suy giảm.
Bông đùa với một người bạn Israel, “có lẽ các bạn sẽ không triển khai được nhiều hệ thống tưới nước này ở Việt Nam. Chúng tôi cần hệ thống thoát nước hơn”. Câu trả lời khiến tôi phải suy nghĩ: “Với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nguồn nước thiếu thốn, nhưng công nghệ cao, sự vận hành khoa học và tiết kiệm đã đưa chúng tôi trở thành một trong nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, Việt Nam thậm chí còn có lợi thế xuất phát tốt hơn nhiều”. Cũng không có gì ngạc nhiên khi những công ty cung cấp các sản phẩm, công nghệ tưới Israel như Netafim, NaanDanJain… chiếm trên 30% thị phần thế giới với 80% tổng sản phẩm được xuất khẩu hàng năm.
“Cây đũa thần” khoa học
Trong lần tháp tùng Tổng thống Israel Shimon Peres thăm chính thức Việt Nam vừa qua, bà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này dành cho VnEconomy một buổi trao đổi ngắn. Lời khuyên được nhắc đi nhắc lại, cũng như kinh nghiệm quan trọng nhất của Israel để xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại là hãy đầu tư cho khoa học kỹ thuật. Điều này không mới, nhưng nếu không có những quyết sách táo bạo, sự hỗ trợ của chính phủ thì rất dễ rơi vào cảnh “đánh trống bỏ dùi”. Nói không đâu xa, sự phối hợp “bốn nhà” ở Việt Nam vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi bền vững.
Một con số dễ hình dung về năng lực của “cây đũa thần” khoa học. Năm 1950, một nông dân Israel cung cấp thực phẩm đủ cho 17 người, hiện đã là 90 người. Một hecta đất hiện cho 3 triệu bông hồng, hay 500 tấn cà chua/vụ. Một con bò cho tới 11 tấn sữa/năm - mức năng suất mà không một nước nào trên thế giới có được.
Những thực tế tại công ty NaanDanJain đã đem lại một bài học khác về sự phối hợp: nhà khoa học, nhà doanh nghiệp có sự tách biệt khó phân định với nhà nông. Đa phần các nước nhập khẩu công nghệ của NaanDanJain chỉ biết rằng đây là một trong những công ty hàng đầu Israel chuyên về giải pháp tưới, hệ thống công nghệ kiểm soát khí hậu nhà kính, mà không biết rằng chính công ty cũng đang sở hữu những đồn điền rộng lớn, nơi chính những tiến bộ khoa học của công ty được triển khai đầu tiên, nhằm đảm bảo sự thích ứng hoàn hảo nhất đối với nhu cầu của người trồng trọt.
Một trong những lợi thế của sự phối hợp giữa khoa học và nhà nông tại Israel là tính cộng đồng rất cao. Nhà khoa học rất gần gũi với đồng ruộng và nhiều trong số họ cũng chính là nông dân hoặc giữ vai trò tư vấn trực tiếp cho nông dân. Các trung tâm nông nghiệp lớn, thậm chí cả các “làng nông nghiệp” (từ địa phương là kibbutz) đều có sự xuất hiện của các phòng nghiên cứu hoặc đại diện của các viện khoa học. Những giống cây mới hay các nghiên cứu mới về hệ thống nhà kính trước hết được thí nghiệm, kế đó sẽ áp dụng thử nghiệm với một số nhỏ hộ nông dân bằng nguồn vốn hỗ trợ của hệ thống tài chính vi mô hoặc từ chính quỹ của viện thí nghiệm, trước khi triển khai thương mại đại trà.
Tại Israel phần lớn các nhà khoa học nông nghiệp làm cho chính phủ. Có tới hơn 60% các công trình nghiên cứu nông nghiệp là của Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp hay trung tâm Volcani thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Israel cũng là nước có mức đầu tư cho nghiên cứu thuộc loại lớn nhất thế giới với gần 100 triệu USD mỗi năm, chiếm khoảng 3% tổng sản lượng nông nghiệp quốc gia. Nguồn lực này đến từ ngân sách và cộng động (50 triệu USD/năm), các hợp tác quốc gia song phương (12 triệu USD/năm), các tổ chức nông nghiệp cấp địa phương và quốc gia (6 triệu USD/năm) thông qua nguồn lợi từ thu hoạch cây trồng. Khu vực tư nhân cũng đóng góp khoảng 25 triệu USD hàng năm.
Nguồn lực này được cung cấp trực tiếp cho việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng và các nhà đầu tư giữ bản quyền sáng chế. Phần lớn các nghiên cứu đều do những công ty sản xuất sản phẩm đầu vào, như hệ thống tưới tiêu, phân bón, nhà kính… triển khai. Sự phối hợp giữa kinh doanh và nghiên cứu đảm bảo cho các nhà khoa học một mức ưu đãi đủ để phát huy tối đa năng lực hoạt động chuyên môn. Thậm chí các chuyện các chuyên gia nông nghiệp đi tư vấn trực tiếp cho các nông trại là điều không hiếm.
Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đối tác quan trọng của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số công nghệ trong lĩnh vực tưới, chăn nuôi bò sữa đã được doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu và ứng dụng hiệu quả. TH True Milk - một trong những thương hiệu sữa tươi của Việt Nam - là ví dụ thành công trong triển khai công nghệ chăn nuôi bò sữa. Công nghệ quản lý đàn Afifarm của công ty SAE Afikim là hệ thống quản lý trang trại bò sữa hiện đại nhất thế giới tới từng cá thể với chip điện tử theo dõi tình trạng sức khỏe, chế độ dinh dưỡng và sản lượng sữa.
Công nghệ tưới nhỏ giọt cũng đang được triển khai ở Việt Nam đang hứa hẹn tạo ưu thế so với phương pháp tưới rãnh và tưới phun truyền thống. Những trang trại bò sữa thí điểm cũng có thể được tìm thấy tại Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng…
Các tin khác