DANH MỤC SẢN PHẨM
VĂN HÓA RƯỢU VANG
Món Giải Khát Xứ Hạn
Ninh Thuận là một xứ sở khí hậu khắc nghiệt. Có phải vì vậy mà trời thương nên bù đắp cho nơi này nhiều thứ.
Du khách sau khi rời khỏi Ninh Thuận thường nhớ hình ảnh tháp Chàm Pôklong Garai, nhớ biển Cà Ná với những đồi cát, nhớ cơm gà Phan Rang, và không quên một món đặc sản là tỏi… Những người Phan Rang xa quê mà tôi biết lại hay nhắc về những cánh đồng muối bạt ngàn nắng và gió. Ngồi xe trên đường Một ngang qua Ninh Thuận, người viết cứ dõi theo nốt tín hiệu trên Google map để kiếm chiếc cầu Đạo Long một thời đã xa, đâu ngôi trường trung học Duy Tân và dấu vết của vườn nho ngày cũ.
Ninh Thuận được xem là vùng đất khô hạn vào bậc nhất Việt Nam. Mỗi năm lượng mưa trung bình dưới 750 – 850mm. Chính thời tiết khô hanh của vùng đất này lại là điều kiện rất tốt cho những cánh đồng nho. Nho Phan Rang có phải là một thứ nho rất lạ? Quả nho thì chín mọng và ngọt lịm, nhưng mật nho uống không khéo lại say.
Những năm gần đây, nghề trồng nho ở Ninh Thuận khôi phục và phát triển mạnh. Ngoài nho tươi, mật nho, mứt nho, dọc con đường thiên lý ngang địa phận Ninh Thuận người ta thấy cơ man nào các loại sản phẩm khác từ trái nho: bột nho, rượu vang nho… Vậy nhưng rượu mật nho Phan Rang không phải chỉ để uống như rượu nho thông thường. Rượu nho – còn có cái tên đi vào thi ca là bồ đào – Phan Rang uống để nhớ. Cái hương biển mặn mòi, hương nắng rát bỏng, hương gió khô rang trong vị của những ly mật nho mà chàng thi sĩ vô danh nào đó đã từng trải: hương Phan Rang gió biển thành men rượu/ hương con gái bên thềm hoa cũ/chợt bay về nồng ấm chiêm bao…
NGUYỄN TRẦN - ẢNH: THANH HẢO
THEO SGTT
Các tin khác